Phồn Xương - Khúc ca bi tráng

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Yên Thế (Bắc Giang) một ngày cuối năm. Tôi đi chậm chạp trong sương bay bảng lảng đó đây trên mặt hồ trước thành lũy cổ Phồn Xương.
Phồn Xương - Khúc ca bi tráng
Tác giả bên thành cổ Phồn Xương.

Nơi đây còn in những dấu vết thời gian cùng rêu phong ám màu khói súng chinh chiến một thời. Nhìn đâu cũng thấy đôi mắt của “Hùm thiêng Yên Thế” chất chứa hờn căm muốn dội chảo lửa vào giặc thù. Ngọn đồi thành lũy như rung chuyển với bao ký ức bi tráng hiện về...

Hoàng Hoa Thám và những bí ẩn nhiệm màu

Cuộc giao tranh giữa Hoàng Hoa Thám (sinh năm 1858) với giặc Pháp, trong suốt ba thập niên (1883-1913), là bấy nhiêu chuyện kể về người anh hùng cái thế này. Giặc Pháp ví ông không khác gì mãnh thú với danh xưng “Hùm thiêng Yên Thế”. Săn đuổi bao vây đoàn quân của Đề Thám không biết bao lần, nhưng lính Pháp đều phải ngậm ngùi, khênh xác đồng bọn thất thểu trở về. Cuộc chiến của Đề Thám luôn tạo sự biến hóa như phép thuật, tiến lui đều có bàn tay rừng núi chở che, tấn công thì xả thân dũng mãnh. Những chiến thắng vang dội trong hai năm 1888 và 1889 ở Cao Thượng, Hồ Chuối và phòng tuyến sông Sỏi làm khiếp vía quân thù. Bộ ba tướng lĩnh Đề Nắm, Đề Thám, Bá Phức trở thành mục tiêu sát hại của giặc Pháp. Chúng vừa tấn công vừa ngầm mua chuộc tay sai tìm cách sát hại thủ lĩnh Yên Thế. Liên tiếp trong hai năm sau đó, lính Pháp ồ ạt tấn công nhưng không sao tiêu diệt được các nghĩa sĩ. Đến khi thủ lĩnh Đề Nắm bị nội gián sát hại vào tháng 4/1892, lực lượng Yên Thế bị tiêu hao, giặc Pháp hí hửng nắm chắc phần thắng. Nhưng chúng không ngờ khi Đề Thám lên làm thủ lĩnh, cuộc chống trả càng quyết liệt hơn. Lực lượng nghĩa sĩ thoát khỏi vòng vây rút lên rừng xanh núi thẳm tạo dựng căn cứ địa. Cuộc khởi nghĩa mỗi ngày một mạnh mẽ. Nghệ thuật chiến đấu của Đề Thám luôn luôn bất ngờ, với sơ đồ dụ địch vào bẫy giăng sẵn, tiêu hao dần kẻ địch, làm chúng không kịp trở tay. Thấy không thể tiếp tục cuộc chiến, chúng tìm cách hoãn binh (1894), lên kế hoạch đối phó.

Với thủ đoạn thâm độc, giặc Pháp quay sang đàn áp dân chúng, chia cắt mối giao liên cung cấp súng đạn, lương thực cho nghĩa quân. Chúng xây những đồn bốt phía dưới chân núi để bao vây nghĩa quân. Đặc biệt, chúng dùng tiền và ban phát chức tước, mua chuộc các tướng lĩnh của Đề Thám. Không ngờ một số người sát cánh thân cận Đề Thám đã xuống núi đầu thú. Trong số đó có tướng Bá Phức, vừa là cha nuôi Đề Thám, vừa là phó thủ lĩnh cùng Đề Thám bao phen làm khiếp vía kẻ thù. Vậy mà ông ta đã thoái chí và tham tiền bỏ rơi đồng đội. Sau đó, Tổng đốc Bắc Giang Lê Hoan bí mật sai Bá Phức tiếp cận sát hại Đề Thám. Cuộc gặp mặt trở lại được coi là ngẫu nhiên, tình thân kết nghĩa tại cứ địa Phồn Xương, với danh nghĩa cha vào thăm con nuôi. Sau đó Bá Phức còn đòi nghỉ lại qua đêm. Hai cha con ngủ chung trong một căn nhà. Nửa đêm về sáng, Bá Phức lấy mìn giấu trong người lén đặt dưới gầm giường của Đề Thám, vội vã châm ngòi lửa rồi chuồn ra ngoài bỏ chạy. Được một quãng đường nghe tiếng mìn nổ như sấm dậy, Bá Phức hí hửng trở về báo công nhận tiền. Hôm sau tiếng kèn đám ma ủ ê vọng xuống. Thậm chí Bá Phức còn cho người lên thám thính thấy rõ bà Ba Cẩn cùng các con mặc áo tang lễ. Đoàn người đưa quan tài đi ngang qua đường trong cảnh thê lương tang tóc. Quân Pháp ngỡ đã thành công hùng hổ đem quân tấn công lên đồn Hữu Nhuế đầu tiên. Chúng có ngờ đâu lại sa bẫy giăng lưới sẵn của Đề Thám. Ông không chết vì đã cảnh giác với âm mưu của Bá Phức. Khi dồn quân lên, nhiều tên hốt hoảng thấy “Hùm thiêng Yên Thế” xuất hiện lừng lững trên cao chỉ huy trận đánh. Với gương mặt quắc thước và bộ râu hàm én, cùng đôi mắt sắc lạnh, Hoàng Hoa Thám như một tượng đài có sức mạnh kỳ lạ. Hàng trăm nghĩa sĩ bất ngờ nổ súng từ bốn phía, kẻ thù chết ngổn ngang và bỏ chạy tán loạn.

Sau đó chừng 3 tháng, Đề Thám còn cho quân phục kích trên công trường đường sắt ở Suối Ghềnh - Bắc Lệ, bắt cóc tên Chesnay, chủ báo xứ Bắc Kỳ, kiêm chủ thầu khoán công trường đường sắt đi Lạng Sơn. Ông đòi điều kiện, muốn thả người phải đình chiến thực sự và rút quân khỏi khu vực Yên Thế, giao lại cho nghĩa quân kiểm soát. Chính quyền phải đồng ý hiệp ước đầu tiên (10/1895). Đề Thám còn được toàn quyền thu thuế của bốn tổng quanh vùng, trong thời hạn 3 năm liền. Vào thời gian này, gia đình Đề Thám và đoàn quân định cư công khai trên đồi Phồn Xương. Nhưng giặc Pháp lập tức nuốt lời, chỉ ngay sau đó chúng lại đòi ông ra đầu thú, vì đã cứu được con tin. Đề Thám không nghe còn ngỏ lời giễu cợt. Chúng cất quân đánh úp căn cứ địa, nhưng không ngờ Đề Thám cùng nghĩa quân đã đề phòng, tất cả rút nhanh lên rừng núi Yên Thế. Giặc Pháp điên cuồng tấn công lên núi nhưng đều bị đánh bật trở lại. Chúng tức tối treo giải thưởng lớn (30.000 Franc) cho người nào bắt được Đề Thám. Nhưng nghĩa quân càng đánh càng hăng, dồn dập gây nhiều hiểm họa cho những đồn bốt của chúng. Vì quá mệt mỏi và còn tập trung vào khai thác kinh tế thu‌ộc đị‌a, giặc Pháp đành phải giảng hòa với nghĩa quân Yên Thế, lần thứ hai (12/1897). Hiệp ước mới ràng buộc chặt chẽ hơn trước, với quy định giải giáp vũ khí hai bên, cùng bãi binh. Đề Thám quay về định cư ở Phồn Xương, Chợ Gồ (trung tâm huyện Yên Thế) và được quản một vùng đất rộng lớn, tựa như một điền chủ một khu vực.

Dấu vết thời gian.

Trường kỳ kháng chiến

Những cuộc chiến đấu đầy khôn ngoan của nghĩa quân Yên Thế, ngoài tài chỉ huy kiệt xuất của Đề Thám, phải kể đến sự đóng góp mang tính chiến lược của bà Ba Cẩn (vợ ba Đề Thám). Sức mạnh thuộc về Đề Thám. Còn mưu lược lại thuộc về vợ con ông. Những người con của vợ trước (ở quê) cũng đều là những chỉ huy dũng cảm và khôn khéo. Riêng người vợ thứ ba của Đề Thám là Đặng Thị Nho lại có đầu óc tổ chức mưu lược và nhất là công việc lo hậu cần cho đội quân. Hiệp ước lần thứ hai được thực hiện, bà đã cùng chồng lo củng cố đội ngũ chiến binh và tu sửa thành quách, sắp xếp lại vị trí tiền đồn. Song song bà tổ chức lao động, sản xuất để tích lũy kho lương và vũ khí, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Nghĩa quân từ nhiều nơi về xin đầu quân và được phân công đóng cơ sở tại các tỉnh lân cận. Thậm chí còn có cơ sở ngay tại Hà Nội nằm chờ thời cơ. Lực lượng ngày một đông thêm. Khu điền trang của Đề Thám trù phú khắp vùng. Dân tình sống vui vẻ yên bình. Đất vùng Yên Thế được coi là một cõi riêng của Đề Thám thoát khỏi sự cai trị trực tiếp của chính quyền tay sai thực dân Pháp. Cuộc sống yên bình kéo dài được hơn 10 năm.

Đáng chú ý nhất, trong thời gian này bà Đặng Thị Nho đã cùng chồng lập ra đảng Nghĩa Hưng, Trung Chân ứng nghĩa đạo ở Hà Nội. Thành viên trong đó có cả những nghĩa sĩ là người trong lực lượng quân đội của chính quyền tay sai Pháp. Đây là con bài chiến lược của bà Đặng Thị Nho, khi đánh vào sào huyệt của quân đội Pháp. Thời cơ đã đến, với sự tiếp ứng của những đội viên đảng Nghĩa Hưng, ngay trong bữa ăn của đơn vị lính, họ ngầm bỏ thuốc độc (ngày 27/6/1908). Nhưng rất tiếc trận đánh đó không thành bị bại lộ. Nhiều chiến sĩ đã bị bắt và hy sinh. Bà biết thế nào giặc Pháp cũng đánh vào Yên Thế, nên đã cùng chồng chuẩn bị cuộc chiến đấu mới, kiên cường và quyết liệt hơn trước. Quả nhiên, lấy cớ vì có sự liên quan của nghĩa quân Đề Thám trong vụ “Hà thành đầ‌u độ‌c”, giặc Pháp huy động lực lượng rất lớn bao vây tấn công Yên Thế.

Trước đó, bọn thám báo cùng tay sai tại địa phương phục kích bắt hai mẹ con bà Đặng Thị Nho, ngay tại chợ Gồ. Chúng còn cho quân thám báo đi loan tin để dụ Đề Thám xuất đầu lộ diện khi đi cứu vợ con. Đúng như chúng dự đoán, Đề Thám đã mang theo một số nghĩa sĩ tinh nhuệ chặn đón để cứu vợ con trên đường giải về nhà giam. Ngỡ đã giăng bẫy bắt được Đề Thám, lực lượng tay sai ồ ra bao vây. Nhưng bất ngờ có tiếng gầm vang như hổ báo. Cơn tức giận sục sôi. Cặp mắt của “Hùm thiêng Yên Thế” trợn trừng. Nhiều tên lính đứng trước uy danh mãnh hổ của Đề Thám bỗng run rẩy không dám tiến tới. Đề Thám lập tức như có cánh bay. Vụt sáng tựa tia chớp. Mất hút trên đường lên núi. Những viên đạn bắn theo đều không trúng đích. Lại thêm một lần Đề Thám làm chúng hồn xiêu phách lạc.

Bản giao hưởng bi tráng

Không bắt sống được Đề Thám, ngay lập tức giặc Pháp huy động 15.000 binh sĩ tấn công ào ạt vào Yên Thế (1/1909), dưới sự chỉ huy của Đại tá Bataille. Lực lượng địch quá mạnh,  nghĩa quân vừa đánh vừa rút lui về các căn cứ điểm phòng thủ. Tại mỗi chiến địa khốc liệt, tuy quân địch chết nhiều nhưng lực lượng nghĩa sĩ cũng tiêu vong đáng kể. Lực lượng mỗi ngày một ít, khi quay lại Yên Thế, không còn lại là bao nhiêu. Đề Thám thân cô thế cô, cùng một số chiến binh trung thành trốn trong rừng xanh. Chúng đổ quân đi săn lùng nhưng không tài nào bắt sống được ông. Đúng là Đề Thám được rừng núi Yên Thế che chở. Nhưng cuối cùng lực tàn sức kiệt, ông bị bọn gian tặc trá hình đến hòa giải sát hại, vào ngày 10/2/1913.

Lần này trở lại thành cổ Phồn Xương, với bao ký ức dâng tràn, trái tim tôi rộn ràng bên những dấu vết thời gian. Đôi mắt rực sáng của Đề Thám như hiện về cách đây hơn 100 năm. Hồn ông lang thang đây đó với nỗi đau nhân thế. Tôi nghe như có tiếng gầm vang rừng núi với bản hùng ca bên thành lũy: “Hồn về cõi xa xăm bi tráng. Đầu ta rơi vì kẻ đớn hèn. máu nhuộm đỏ sa cơ thất thế. Ngạo nghễ cười lộng gió Phồn Xương”. Đó là khúc ca bi tráng về một người anh hùng, trọn đời hy sinh cho dân tộc, với hoài bão dành độc lập, tự do cho Tổ quốc linh thiêng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật