Bia đá hơn 300 tuổi in dấu cuộc đời danh nhân

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bia Sùng Chỉ là bảo vật quốc gia, được đúc vào năm 1696 để ghi nhận công lao, sự nghiệp của danh nhân Hà Tông Mục đối với quê hương.
Bia đá hơn 300 tuổi in dấu cuộc đời danh nhân
Bia Sùng Chỉ đặt trong khuôn viên đền thờ Sùng Chỉ ở xóm Đông Vinh, xã Tùng Lộc. Ảnh: Đức Hùng

Bia Sùng Chỉ được Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia đợt 8 năm 2020. Đây là hiện vật độc bản thuộc thời vua Lê Trung Hưng, đang lưu giữ tại đền Sùng Chỉ ở xóm Đông Vinh, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc.

Bia nặng hơn một tấn, đúc bằng đá xanh cao 1,6 m, đặt trên đế ba cấp rộng 89 cm. Thân bia kích thước 94x58 cm, mái che hình nón úp, đỉnh có hình hồ lô.

Trang trí trên thân bia là nhiều họa tiết kiến trúc thế kỷ XVII đầu XVIII thời Lê - Trịnh, các áng mây cuộn xoắn lại cả hai đầu, phía sau mỗi áng mây có một dải mây cong vút, thường gọi là mây lửa. Trán bia trang trí hoa văn hình chữ V cách điệu. Diềm của bệ bia chạm khắc hình sóng nước, phía trên khắc chữ Hán.

Ông Hà Văn Sỹ, đại diện dòng họ Hà ở xã Tùng Lộc, tự hào nói người được lập bia và dựng đền thờ khi còn sống để ghi nhận công lao sự nghiệp rất hiếm có, tổ tông Hà Tông Mục thời Hậu Lê cùng Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ thời nhà Nguyễn là hai danh nhân quê Hà Tĩnh nhận vinh dự này. "Các thế hệ dòng họ Hà luôn xem bia Sùng Chỉ là bảo vật, cử người thường xuyên qua lại đền thờ trông coi, bảo vệ cẩn thận", ông Sỹ cho hay.

Theo sách Bia Sùng Chỉ - Bảo vật quốc gia, Hà Tông Mục sinh năm 1653, quê xã Tỉnh Thạch, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, nay thuộc xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cậu bé Mục từ nhỏ nổi tiếng sáng dạ, văn hay, chữ tốt. Năm 1675, ông đỗ đầu khoa thi hương; năm 1688 đỗ Đình nguyên tam giáp tiến sĩ, được vua Lê Hy Tông bổ nhiệm làm Đốc đồng hai xứ Tuyên - Hưng, tức tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang ngày nay.

Cuối thế kỷ XVII đầu XVIII, đất nước lâm vào nội chiến, các phe phái tranh giành quyền lực, bên ngoài nhà Thanh lăm le xâ‌m lượ‌c. Chúa Trịnh một mặt thi hành chính sách hòa hiếu với nhà Thanh, mặt khác kiên quyết chống lại các vụ phá rối biên giới. Triều đình kêu gọi những người tài ba, có uy tín như Hà Tông Mục đứng ra giúp nước, nhờ vậy biên cương được giữ ổn định trong nhiều năm.

Họa tiết trang trí và chữ Hán khắc trên mặt trước của tấm bia. Ảnh: Đức Hùng

Gia phả họ Hà và văn bia Sùng Chỉ ghi, năm 1699, khi đang giữ chức Phủ doãn Phụng Thiên (đứng đầu kinh thành Thăng Long), vua sai Hà Tông Mục làm kinh lược, đi kiểm tra ở xứ Tuyên Quang. Lúc này, Sầm Trì Phượng ở châu tiểu Trấn Yên của nhà Thanh nhiều lần đem quân lấn chiếm  vùng biên giới. Hà Tông Mục đến nơi, viết thư gửi sang cho Sầm Trì Phượng nói rõ mọi việc. Đối phương sau đó đáp thư nhận lỗi, rút quân về, biên giới yên ổn.

Sử cũ cho hay, thư gửi cho Sầm Trì Phượng đến nay giới chuyên môn về lịch sử chưa sưu tầm được, nhưng nhận định chắc chắn là lời lẽ tranh biện "có lý có tình" của vị Phủ doãn Phụng Thiên khiến đối phương được "cảm hóa". Năm 1703, Hà Tông Mục nhận lệnh đi làm chánh sứ để giữ mối bang giao với nhà Thanh. Trong chuyến đi này, do đối đáp thông minh, ứng xử giỏi, ông được vua Khang Hy nể trọng, tặng ba chữ "Nhược - Xung - Hiên", nghĩa là khen người có đức tính khiêm nhường, thông minh và có chí khảng khái.

Theo Hà tiến sĩ Sùng Chỉ bi ký, làm quan ở vùng nào, Hà Tông Mục luôn khuyến khích người dân lấy nghề nông làm gốc, chăm lo cấy cày. Ngoài ra, việc giáo hóa, khuyên bảo nhân từ đối với những người có lỗi rất được chú trọng... Nhờ vậy, những địa phương trong thời gian ông cai quản mùa màng bội thu, đời sống xã hội ổn định, văn hóa giáo dục và kinh tế phát triển.

Một trang trong bản di chúc do Hà Tông Mục viết bằng chữ Hán để lại. Ảnh: Văn Sỹ

Năm 1696, cho rằng những công ơn trên không biết lấy gì để báo đáp, người dân lập bia Sùng Chỉ thờ sống Hà Tông Mục lúc 43 tuổi. Soạn văn bia là Nguyễn Trí Trung (1648-1725), người huyện Đông Yên, nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, từng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm 23 tuổi. Thấy văn bia đề cập nhiều công trạng của mình, Hà Tông Mục đáp "việc trung với nước, hiếu với gia đình, ăn ở hòa mục đối với dân làng là chức phận đương nhiên".

Hà Tông Mục mất năm 1707, lúc 55 tuổi. Đền Thờ ông ở xã Tùng Lộc ngày nay còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong, trong đó có bản di chúc do chính ông soạn thảo, nhắc con cháu hãy sống làm sao cho xứng đáng. Theo Bia trích di chúc của Tiến sĩ Hà Tông Mục, tài sản của ông trước lúc ra đi có ruộng đất, nhà xây, bạc nén và tiền quan. Ngoài phân chia cho vợ con và người thân, vị quan thanh liêm còn dành một phần đất đai, tiền bạc chia cho dân hai làng ở huyện Thiên Lộc xưa để họ cưu mang, đùm bọc nhau khi hạn hán, lũ lụt.

Ông Nguyễn Trí Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, đánh giá bia Sùng Chỉ là hiện vật độc nhất vô nhị, có ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hóa. "Cuộc đời của Hà Tông Mục in trên văn bia thể hiện ước nguyện, tình cảm của người dân hơn 300 năm trước đối với một nhân vật lịch sử. Những giá trị của tấm bia cần được bảo tồn để phục vụ cho việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống nhân nghĩa của cha ông xưa", ông Sơn nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật