Tết quê mình: Lên Hà Giang ăn tết với người Mông, thử món láo khoải thơm lừng

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Món bánh có cái tên rất lạ này là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ những ngày đầu xuân của đồng bào người Mông.
Tết quê mình: Lên Hà Giang ăn tết với người Mông, thử món láo khoải thơm lừng
Ảnh minh họa

Những ngày Tết, trên mâm cơm của đồng bào dân tộc Mông thường xuất hiện thêm món bánh có màu vàng ươm rất đẹp mắt. Người Mông gọi là bánh láo khoải (còn có tên gọi khác là bánh rớ khoải hay lức khoải).

Món bánh bình dị, dân dã này được làm từ ngô - nguồn lương thực chính của bà con vùng cao trong giai đoạn đói kém, lúa gạo không có nhiều. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của đồng bào cũng đã ấm no hơn nhưng món ăn làm từ ngô vẫn là thú ẩm thực có ý nghĩa tâm linh trong đời sống tinh thần của bà con. 

Láo khoải được làm từ bột ngô xay nhuyễn, sau đó hấp chín và nặn thành khối hình bầu dục. Dù chỉ được làm vào dịp Tết nhưng bà con đã chuẩn bị nguyên liệu từ tận tháng Tám, tháng Chín âm lịch. Những bắp ngô già được lựa chọn kỹ càng, lột hết lớp vỏ bẹ bên ngoài, chỉ chừa lại một lớp mỏng trong cùng rồi treo lên gác bếp. Hơi nóng từ bếp củi sẽ ngăn nấm, mốc, mối, mọt ăn mất ngô.

Những ngày cuối năm, đồng bào Mông cư trú trên địa bàn Sính Lủng, Thài Phìn Tủng, Vần Chải, Sủng Trái lại cùng nhau làm chung một mẻ bánh láo khoải to để dành ăn cho hết tháng giêng. Người tách hạt, người xay ngô, tiếng cười giòn giã vang vọng khắp núi rừng Đông Bắc.

Ngô sau khi được tách hạt sẽ đem đi xay nhuyễn bằng cối đá, sau đó sàng thật kỹ để loại bỏ mày và vỏ. Trước khi đem đi đồ, bột ngộ được ngâm trong nước từ 5-6 tiếng. Món bánh này nhìn vậy mà cầu kỳ chẳng kém món nào, phải qua 2 lần đồ mới ra được thành phẩm như ý. Lần đầu đồ sao cho bột ngô tơi, lần thứ hai mới đồ cho tới khi bột chín.

Lúc này, những người đàn ông có sức vóc trong gia đình đập nén trên bàn đá, nặn thành hình bầu dục, dài khoảng 15-20cm, dùng mỡ trộn với mật ong bôi đều trên bề mặt bánh. Mùi bánh thơm lừng khiến bọn trẻ con xúm xít để xin mẹ cho một cái để ăn trước cho bằng được.

Bột ngô chín có thể ăn được ngay hoặc ngâm trong nước lạnh để bảo quản. Cứ 1 tuần thay nước 1 lần, láo khoải có thể giữ được cả tháng trời mà bánh vẫn không bị mốc, nứt hay vụn ra. Khi nào cần, chỉ việc vớt bánh lên và hấp lại.

Bếp lửa bập bùng, cả nhà quây quần cùng tách ngô, nặn bánh làm xua đi cái lạnh của vùng cao. Tết của người Mông chẳng cần cao lương mĩ vị gì mà vẫn đầm ấm, vui vẻ là nhờ đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật