Hai thái cực của tuyển Việt Nam

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trận thua 0-4 không phải kết quả dễ chịu nhưng trong thất bại đậm nhất dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, tuyển Việt Nam cũng đã nhìn ra hy vọng.
Hai thái cực của tuyển Việt Nam
Rogic là người thường xuyên hướng bóng lên phía trước và tạo ra các thời cơ cho Australia.

Trận thua đậm trước Australia chứng kiến tuyển Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu về khả năng phòng ngự, trong bối cảnh thiếu vắng nhiều trụ cột.

Tuy nhiên, những gì Quang Hải hay Tuấn Hải đã thể hiện trên mặt trận tấn công cho thấy những tín hiệu tích cực, đặc biệt khi chúng ta sẽ tiếp đón tuyển Trung Quốc tại Mỹ Đình ít ngày sau đây.

Hàng phòng ngự rối loạn

Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đưa ra quyết định nhân sự có phần mạo hiểm khi sử dụng 3 trung vệ đều có chiều cao dưới 1,8 m là Xuân Mạnh, Đình Trọng và Tiến Dũng.

Ý đồ của chiến lược gia người Hàn Quốc có lẽ nhắm mục đích sử dụng khả năng phán đoán và sự nhanh nhẹn của các cầu thủ này để hạn chế khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ trng hệ thống 5-4-1. Tuy nhiên, bộ ba trung vệ lạ lẫm này đã có hiệp một đáng quên, khi tỏ ra hoàn toàn rối loạn trước cách triển khai tấn công của Australia.

Ajdin Hrustic vắng mặt vì án treo giò, nên không khó để dự đoán đội chủ nhà áp đặt trận đấu sẽ dựa nhiều vào khả năng của tiền vệ tấn công Tom Rogic. Đích thân là người tạo ra cơ hội nguy hiểm đầu tiên của trận đấu với pha dứt điểm vào lưới không được công nhận bàn thắng ở phút đầu, phẩm chất chơi bóng khôn ngoan và đơn giản của cầu thủ thuộc biên chế Celtic được thể hiện ở toàn bộ thời gian tiền vệ này có mặt trên sân.

Cách chơi của cầu thủ mang áo số 23 tỏ ra nhàn nhã với những tình huống di chuyển đoạn ngắn lanh lợi ở giữa hai tuyến phòng ngự của đối phương. Xem Rogic thi đấu, có thể nhận thấy cầu thủ này không di chuyển với tần suất lớn, nhưng nhạ‌y cả‌m với các khoảng trống tấn công, để trở thành cầu nối triển khai bóng cho đội chủ nhà.

Đơn giản nhưng rất đẳng cấp, Rogic không chỉ tạo ra lựa chọn chuyền bóng cho đồng đội, mà còn tự mình có những tư thế nhận bóng cơ bản để xoay bóng lên phía trước ngay ở nhịp chạm bóng đầu tiên và sẵn sàng thực hiện các đường chuyền ở tốc độ xử lý cao.

Bước di chuyển khôn ngoan của Rogic đánh lừa trung vệ Việt Nam, tạo ra khoảng trống để nhận bóng.

Thường trực xuất hiện sau lưng hàng tiền vệ đối phương với tư thế thân người luôn sẵn sàng để hướng bóng lên phía trước.

Nhận bóng, hướng về phía trước, thực hiện các đường chuyền kiến thiết.

Cách chơi của cá nhân Rogic và cách Australia bố trí đội hình khi kiểm soát bóng khiến hàng phòng ngự tuyển Việt Nam gặp khó khăn để xoay xở. Định hướng phòng ngự của HLV Park Hang-seo với sơ đồ 5-4-1 phải nói là tương đối dễ đoán.

Hai tiền vệ trung tâm đều có xu hướng đẩy lên phía trước để gây áp lực lên tiền vệ trụ của đối phương, trong khi khoảng trống sau lưng Hùng Dũng và Xuân Trường được bọc lót bởi các trung vệ - những người cần lựa chọn thời điểm áp sát đúng lúc.

Vấn đề của các trung vệ tuyển Việt Nam đến khi Rogic chơi linh hoạt và khôn ngoan trong cách di chuyển, cộng với việc các tiền vệ cánh luôn thường trực di chuyển sau lưng, khiến Đình Trọng và các đồng đội không thể dâng cao đúng lúc.

Trung vệ lệch trái Tiến Dũng dâng cao theo Rogic sang tận biên phải, ở thời điểm Xuân Mạnh không thể dâng cao bởi sự có mặt của tiền vệ cánh đối phương.

Khi thời điểm gây áp lực không chuẩn xác, nhưng khoảng trống lộ ra như hệ quả tất yếu. Đó chính là lúc Australia tăng tốc và hướng bóng vào vòng cấm địa, với chân kiến thiết Rogic.

Khoảng trống phía sau lưng Tiến Dũng ngay lập tức bị Rogic khai thác.

Đó chính là kịch bản cho bàn thua đầu tiên của tuyển Việt Nam. Rogic nhận bóng giữa hai tuyến phòng ngự, Đình Trọng dâng cao gây áp lực đúng thời điểm và không cho Rogic cơ hội hướng bóng lên phía trước. Nhưng vấn đề đến khi Đình Trọng đã rời quá xa vị trí của mình và không kịp trở lại khu vực cần kiểm soát khi bóng được đưa vào vòng cấm địa.

Đình Trọng gây áp lực, không cho Rogic nhận bóng dễ dàng.

Đình Trọng rời xa vị trí, điều khiến trung vệ Tiến Dũng buộc phải di chuyển vào trong để giữ cự ly.

Bàn thua đến sau pha kiến tạo của Rogic, ở thời điểm Đình Trọng chưa thể quay lại vị trí, trong khi Tiến Dũng không thể kiểm soát tình hình.

Pha ghi bàn nâng tỷ số lên 3-0 của Craig Goodwin sau đó cũng diễn ra với kịch bản gần như tương tự. Rogic khôn ngoan trong cách di chuyển không bóng của mình, để kéo Thành Chung ra khỏi vị trí, trước khi thủ thành Mathhew Ryan có đường chuyền dài chuẩn xác khai thác khoảng trống đã lộ ra.

Tiền vệ mang áo số 23 cùng các đồng đội có thể nói đã làm xáo trộn hệ thống phòng ngự của tuyển Việt Nam bởi những tình huống tấn công đơn giản nhưng hiệu quả.

Chưa sắc sảo ở các pha phản công

Thói quen sử dụng nhiều đường chuyền xuyên tuyến đến vị trí của Rogic và các tiền vệ tấn công của Australia có những hệ quả tiêu cực cho đội chủ nhà. Khi tuyển Việt Nam duy trì được tính tổ chức và gây áp lực đúng thời điểm, đó thậm chí là cơ hội cho các tình huống phản công. Điều đáng tiếc là những thời cơ chuyển trạng thái ấy lại không được chúng ta tận dụng tốt trong 45 phút thi đấu đầu tiên.

Đình Trọng gây áp lực đúng thời điểm và ở khu vực 1/3 giữa sân để đoạt lại bóng từ vị trí của Rogic.

Cơ hội phản công cho tuyển Việt Nam với Quang Hải và Tuấn Hải.

Với sơ đồ 5-4-1, xu hướng những đường phản công của tuyển Việt Nam hoặc được thực hiện ở hành lang cánh, hoặc cho thấy sự yếu thế về nhân sự ở khu vực trung lộ. Australia đã kiểm soát thành công các pha bóng như thế, khi Quang Hải và đồng đội không thể tạo ra sự liên kết tốt với khu vực giữa sân, hoặc không thể chuyển hướng sang biên đối diện với khoảng trống lớn hơn.

Văn Thanh có tình huống đưa bóng vào trung lộ tốt, nhưng Xuân Trường không thể tiếp nối pha bóng và hướng sang hành lang cánh trái.

Cơ hội phản công 4 đấu 4 của tuyển Việt Nam không thể được thực hiện tốt khi Quang Hải không thể chuyển hướng sang cánh đối diện.

Trong bối cảnh như thế, HLV Park Hang-seo có thêm một lần thay đổi sơ đồ chiến thuật trong các trận đấu của ĐT Việt Nam.

Dấu ấn của sơ đồ 3-5-2

Sự có mặt của Công Phượng và Hoàng Đức ở đầu hiệp 2 đưa tuyển Việt Nam trở lại sơ đồ 3-5-2. Hệ thống 2 tiền đạo và 3 tiền vệ trung tâm có thể nói mang đến những tình huống tổ chức tấn công, hoặc phản công ấn tượng và đầy tích cực với đội bóng của HLV Park.

Chúng ta có được những cầu nối triển khai bóng ở khu vực trung lộ để chuyển hướng tấn công tốt hơn, trong khi việc có thêm một tiền đạo, cũng giúp các lựa chọn đường chuyền đa dạng hơn.

Cách di chuyển của hai tiền đạo mở ra cơ hội rõ rệt hơn ở các tình huống phản công.

Cơ hội rõ rệt nhất của tuyển Việt Nam đến từ pha dứt điểm của Công Phượng ở vị trí chính diễn khung thành thủ môn Ryan. Pha bóng cho thấy giá trị của hệ thống 3-5-2, của những tiền vệ có khả năng liên kết lối chơi tốt mà HLV Park đang có trong tay như Hùng Dũng hay Hoàng Đức.

Tuyển Việt Nam kiểm soát trung tuyến tốt hơn với 3 tiền vệ trung tâm và xu hướng hoạt động của Công Phượng.

Tình huống chơi bóng đơn giản nhưng khôn ngoan của Hùng Dũng mở ra thời cơ chuyển hướng tấn công cho Hoàng Đức sang biên đối diện.

Pha bóng kết thúc sau đường chuyền từ hành lang trái của Hồng Duy, ở thời điểm 2 tiền đạo đều chọn được các vị trí tốt trong vòng cấm.

Sự có mặt của Công Phượng phần nào cũng giúp Tuấn Hải có hiệp 2 ấn tượng hơn nhiều ở những phạm vi nguy hiểm. Đó là sự kết hợp giữa cầu thủ có xu hướng hoạt động rộng, chơi lùi sâu, và mẫu trung phong mũi nhọn với sở trường sức mạnh tốc độ và những tình huống càn lướt, chọn vị trí trong vòng cấm.

Những gì Công Phượng và Tuấn Hải đã làm được, chắc chắn sẽ mang đến phương án nhân sự đáng cân nhắc cho HLV Park Hang-seo.

Công Phượng và Tuấn Hải cho thấy màn kết hợp tích cực trên hàng công.

Trong khi Công Phượng chơi lùi, hoạt động rộng, thì Tuấn Hải luôn sẵn sàng tăng tốc đoạn ngắn, tạo ra các tình huống băng cắt trong khu vực 16m50 đối phương.

Những tín hiệu tích cực được thể hiện trên hàng tấn công mang đến niềm tin cho màn thể hiện tốt hơn của tuyển Việt Nam trên sân nhà trước đội Trung Quốc. Câu hỏi lúc này có lẽ sẽ được dành cho HLV Park ở những lựa chọn nhân sự và chiến thuật.

Việc buộc phải thay đổi sơ đồ chiến thuật một cách thường xuyên trong các trận đấu dường như là biểu hiện của sự cẩn trọng thái quá, trong thực tế tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các tình huống tấn công có nét, như cách chúng ta đã làm với sơ đồ 3-5-2 trước Australia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật