Người thanh niên khuyết tật giàu nghị lực

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập, khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp... luôn là những trở ngại mà người khuyết tật phải đối mặt. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, anh Lê Văn Tuân ở thôn Thượng, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và tạo việc làm, giúp đỡ cho nhiều người cùng hoàn cảnh.
Người thanh niên khuyết tật giàu nghị lực
Anh Lê Văn Tuân đang chăm sóc vườn cây cỏ cú mật của mình.

Bị tật nguyền bẩm sinh nên Lê Văn Tuân đi lại rất khó khăn. Bố mẹ Tuân gần như bán cả gia sản để cứu chữa cho anh. Thấu hiểu những vất vả, hy sinh của bố mẹ, anh luôn khát khao được sớm tự lập để giảm gánh nặng cho gia đình và trở thành người có ích cho xã hội. Năm 20 tuổi, Tuân bắt đầu tìm kiếm con đường đi của riêng mình. Anh mạnh dạn tham gia vào dự án con đường màu xanh, nuôi lợn lấy chất thải chăn nuôi làm khí biogas, tạo năng lượng xanh phục vụ sinh hoạt cho người dân. Anh còn chăn nuôi thêm bò, gà, tìm cách khôi phục các giống cây vật liệu và dược liệu của các vùng, miền.

Anh Lê Văn Tuân chia sẻ: “Những năm đầu khởi nghiệp, tôi đã làm rất nhiều công việc khác nhau. Những công việc tôi làm không được sự hưởng ứng hay giúp đỡ từ gia đình. Mọi người lo lắng, cho rằng tôi không đủ sức khỏe và năng lực để làm kinh tế. Vì vậy, tôi luôn muốn khẳng định mình “tàn" nhưng không "phế”. Nhiều lúc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và gặp thất bại trên con đường lập nghiệp nhưng tôi vẫn không nản chí. Trong quá trình phát triển kinh tế, tôi tìm được cây cỏ cú mật, một loại dược liệu quý nên đã tập trung vào việc nhân giống loại cây này. Ban đầu, chỉ có 10 cây nay đã lên đến vài nghìn cây."

Từ diện tích trồng ban đầu chỉ 60m2, đến nay, trang trại trồng cây cỏ cú mật của anh Tuân đã mở rộng được trên 700m2. Mùa đầu, anh thu hoạch được gần 2,5 tạ cỏ cú mật, với giá bán mỗi cân từ 300-350 nghìn đồng, trừ các chi phí vật liệu, quảng cáo, chào hàng…, anh thu lãi được khoảng trên 30 triệu đồng. Dự kiến mùa thứ hai sản lượng sẽ gấp 10 lần mùa đầu tiên. Ngoài ra, anh còn trồng thêm gần 200 bụi sả, đầu tư một ao cá các loại có diện tích mặt nước khoảng 150-200m2, nuôi thêm gà chọi thương phẩm và mở quán cà phê…

Mô hình kinh tế tổng hợp đã đem lại thu nhập cho anh Lê Văn Tuân gần 100 triệu đồng/năm. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia trại anh Tuân còn là thành viên nhóm Đức Thiện tâm thuộc câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật huyện Quảng Ninh. Quán cà phê của anh không chỉ là nơi kinh doanh buôn bán mà còn là địa điểm cho những người khuyết tật trên địa bàn xã Võ Ninh đến tham gia sinh hoạt và học tập. Nhờ đó, anh Tuân có cơ hội chia sẻ, động viên và giúp đỡ cho nhiều hội viên trong câu lạc bộ có được hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Đình Thi, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật huyện Quảng Ninh cho biết: Lê Văn Tuân là một trong những thành viên năng nỗ của CLB. Bằng những việc làm thiết thực, anh ngày càng khẳng định ý chí, nghị lực vượt lên số phận, phát triển các mô hình kinh tế, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tạo động lực cho nhiều người khuyết tật noi theo...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật