Mobile Money: “Thần đèn” giúp hàng triệu người châu Phi thoát nghèo

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mobile Money dự kiến sắp được triển khai thí điểm tại Việt Nam sau nhiều năm cân nhắc. Song, dịch vụ thanh toán di động này đã đạt được những thành công nhất định tại các quốc gia ở châu Phi trong hàng chục năm qua. Sự phổ biến của dịch vụ Mobile Money đã giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình tại châu Phi thoát khỏi cảnh đói nghèo. Họ thậm chí đổi đời nhờ công việc kinh doanh mới mà Mobile Money mang lại.
Mobile Money: “Thần đèn” giúp hàng triệu người châu Phi thoát nghèo
Mobile Money đã giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình tại châu Phi thoát khỏi cảnh đói nghèo (Ảnh: Zapmeta).

Mobile Money hoạt động ra sao?

Mobile Money (tiền di động) là một công nghệ cho phép mọi người có thể gửi/nhận tiền, chi tiêu, thanh toán các dịch vụ…bằng điện thoại di động của mình mà không cần qua bất kỳ bên trung gian nào. Đây là một tài khoản chứa tiền, gắn liền với số thuê bao di động của người dùng.

Xem Video: Người dân nói gì về Mobile Money?

Thông thường, một thuê bao di động sẽ chỉ đăng ký được một tài khoản Mobile Money. Song, trong một số trường hợp cụ thể, nếu bạn sở hữu 2 thuê bao của 2 nhà mạng khác nhau, bạn có thể sử dụng 2 tài khoản Mobile Money riêng biệt vào cùng một thời điểm.

dịch vụ Mobile Money cho phép người dùng chuyển tiền, lưu trữ hay nhận tiền chỉ bằng điện thoại di động. Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng dịch vụ trên để trả tiền khi mua hàng tại các cửa hàng hay trực tuyến, thanh toán hóa đơn, nộp học phí, hay có thể lựa chọn rút tiền mặt tại các đại lý được ủy quyền.

Khi sử dụng Mobile Money, người dùng có thể chuyển tiền cho người khác một cách nhanh chóng, dễ dàng thông qua cú pháp tin nhắn. Nếu muốn rút tiền từ Mobile Money, khách hàng có thể đến các đại lý được ủy quyền, hoặc rút tiền vào tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử.

Tính đến nay, có khoảng hơn 270 dịch vụ Mobile Money khác nhau trên khắp thế giới. Song, loại hình dịch vụ tiền di động này được sử dụng phổ biến nhất tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Mobile Money là một giải pháp thay thế phổ biến cho tiền mặt và tài khoản ngân hàng, nhờ tính năng dễ sử dụng, tính ứng dụng cao. Bởi người dùng Mobile Money có thể sử dụng để thanh toán ở bất kỳ đâu thông qua điện thoại di động, miễn là nơi đó có sóng di động.

50% dịch vụ Mobile Money trên thế giới được triển khai tại châu Phi

Nhắc đến Mobile Money, châu Phi là châu lục dẫn đầu trên toàn thế giới về sự phổ biến dịch vụ này. Những năm qua, dịch vụ Mobile Money đã trở thành kênh tài chính quan trọng trong bối cảnh chính trị khu vực này. Kể từ những thập kỷ trước, các nhà mạng tại châu Phi đã thống trị về dịch vụ Mobile Money trên toàn lục địa.

Theo Hiệp hội Nhà cung cấp Di động Toàn cầu (GSMA), khu vực châu Phi cận Sahara là nơi tập trung của hơn một nửa trong tổng số 282 dịch vụ Mobile Money đang được triển khai trên khắp thế giới.

Hiện nay, ước tính có khoảng 100 triệu tài khoản Mobile Money tại châu Phi, giúp khu vực này đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng số người sử dụng dịch vụ này. Xếp sau là khu vực Nam Á với khoảng 40 triệu tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Châu Phi dẫn đầu thế giới về số lượng người dùng Mobile Money (Ảnh: GSMA).

Đặc biệt, ngoài việc cung cấp các dịch vụ thanh toán, gửi/nhận tiền đơn thuần, các nhà mạng tại châu Phi ngày nay còn hoạt động ở cả các lĩnh vực tài chính khác như: bảo hiểm, tín dụng, chuyển tiền quốc tế,...

Vì sao Mobile Money lại thịnh hành tại châu Phi?

Nhiều người từng cho rằng thị trường đã bão hòa, do đó, sẽ không còn chỗ cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính di động tại châu Phi. Tuy nhiên, ý niệm này của họ lại hoàn toàn sai lầm.

Trên thực tế, trong những năm qua (từ năm 2013 đến 2016), tỷ lệ thâm nhập dịch vụ Mobile Money đã tăng hơn 30% mỗi năm tại khu vực này. Không những vậy, biên độ lợi nhuận thanh toán tại châu Phi cũng cao nhất trên toàn thế giới, xấp xỉ 2% giá trị giao dịch.

Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là tại sao Mobile Money lại phát triển mạnh mẽ tại châu Phi đến vậy? Theo nhiều chuyên gia, sự thành công này một phần bắt nguồn từ việc các quốc gia đang phát triển thường lựa chọn kiểu "đi tắt đón đầu", như việc bỏ qua các công nghệ bị đánh giá thấp, nhảy vọt rồi tiến thẳng lên công nghệ mới nhất.

Tuy nhiên, trong trường hợp của châu Phi, đầu tiên phải kể đến sự tăng trưởng mạnh của thị trường FinTech là nhờ giá bán điện thoại di động đang giảm nhanh. Điều này đã tạo nên sự bùng nổ về việc sở hữu chiếc điện thoại di động đối với thị trường tiêu dùng ở các quốc gia nghèo châu Phi.

Theo ước tính, số lượng người dân châu Phi sở hữu điện thoại di động đã tăng vọt chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, với hơn 634 triệu người (chiếm khoảng 52% dân số châu Phi) vào năm 2020. Đáng chú ý, tất cả những người dùng này đều sở hữu tài khoản FinTech cá nhân.

Thị trường Mobile Money tại châu Phi đã mở rộng, đa dạng hóa và trưởng thành chỉ trong vài năm qua. Những số liệu thực tế trong những năm gần đây đã chứng minh được châu Phi là "thiên đường" đối với các công ty khởi nghiệp FinTech trên toàn thế giới.

Tiếp đến, tốc độ thâm nhập Internet gia tăng nhanh chóng tại châu Phi cũng là một trong những lý do chính giải thích cho điều này. 

Tại châu Phi, dịch vụ Mobile Money phổ biến gấp 26 lần so với dịch vụ thẻ tín dụng và 58 lần so với các dịch vụ ngân hàng (Ảnh: Getty Images).

Trong năm 2011, tỷ lệ sử dụng Internet tại châu Phi chỉ chiếm khoảng 13,5% tổng dân số. Tuy nhiên, con số này tăng vọt lên mức 39,3% tính đến cuối năm 2019. Có thể thấy rằng số liệu trên vẫn còn khá thấp so với mức trung bình trên toàn cầu. Song, chúng ta cũng phải xét đến tỷ lệ tăng trưởng với con số 3.600% trong giai đoạn từ năm 2000-2012.

Bên cạnh đó, do trong khu vực này các chính sách và biện pháp điều tiết hoạt động ngân hàng còn rất ít và lỏng lẻo, nên các hàng điện thoại di động châu Phi có thể thoải mái đưa thêm vào các dịch vụ ngân hàng bán lẻ (bảo hiểm, tài chính vi mô, kiều hối,..) với các hợp đồng "nạp tiền trước, chi tiêu sau". Những người dân châu Phi có nhu cầu qua đó rất dễ dàng trong việc đăng ký và sử dụng các dịch vụ về tài chính, ngân hàng trên điện thoại di động.

Trên đây có lẽ chính là những lý do tại sao các dịch vụ Mobile Money ở châu Phi lại có tốc độ phát triển nhanh hơn các chi nhánh và tài khoản ngân hàng, đặc biệt tại các quốc gia như Kenya, Tanzania, Uganda và Madagascar.

Xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ lượng người sử dụng Internet tại châu Phi cũng chính là một động lực giúp cho các tập đoàn mở rộng quy mô triển khai. Các công ty khởi nghiệp châu Phi đã tăng trưởng rất mạnh mẽ lên mức 32% và vốn huy động lên tới 70%. Trong năm 2018, tổng vốn huy động tài trợ cho các startup tại khu vực đã cán mốc 1 tỷ USD.

Châu Phi được coi là "thiên đường" đối với các startup FinTech nhờ triển vọng thị trường dồi dào (Ảnh: Getty Images).

Những con số "khủng" trên đã minh chứng được rằng, các công ty FinTech tại châu Phi đang "ăn nên làm ra" nhờ các dịch vụ do công ty mình cung cấp. Thậm chí, những số liệu đầy triển vọng này đã thu hút được nhiều công ty trên khắp thế giới khi họ coi châu Phi là "thiên đường cho các startup FinTech".

Người dân châu Phi thoát nghèo nhờ Mobile Money

Nền tảng cho sự phát triển của FinTech tại châu Phi bắt đầu từ năm 2007, với sự xuất hiện của dịch vụ M-Pesa của Safaricom - nhà mạng lớn nhất Kenya. Nhiều năm qua, M-Pesa luôn được đánh giá là công ty FinTech thành công nhất châu Phi khi chiếm tới 25% tổng lượng người dùng dịch vụ tài chính di động tại châu lục này. Chính M-Pesa đã đem đến một cuộc cách mạng hóa về thanh toán tại Kenya, và giờ là Đông và Tây Phi.

Mỗi khi nhắc đến FinTech, chúng ta thường nghĩ đến sự phát triển của loại hình tài chính này tại phương Tây. Tuy nhiên, khác với các nước phát triển, đa số người dân ở các nước còn lại vẫn không thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh việc gặp nhiều khó khăn về thanh toán và tiếp cận các tiện ích từ xa, họ còn gặp phải vấn đề an toàn mỗi khi cầm trong tay quá nhiều tiền mặt, nhất là tại châu Phi.

Một người dân Kenya đến đại lý Mobile Money được ủy quyền để rút tiền mặt (Ảnh: M-Pesa).

Trong bối cảnh đó, các dịch vụ FinTech nổi lên như một điểm sáng bởi nó đem đến rất nhiều lợi ích cho những người dân đang gặp khó khăn. Những gì mà dịch vụ M-Pesa đang mang đến cho Kenya chính là một ví dụ hoàn hảo cho điều đó. 

M-Pesa không chỉ giúp cho một số nhóm người dân cụ thể, mà còn tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư không có đủ điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng cơ bản như sở hữu tài khoản ngân hàng, chuyển/nhận tiền, thanh toán các dịch vụ điện nước, học phí,... và bắt đầu cuộc sống kinh doanh mới.

Ông Michael Joseph - Giám đốc điều hành Safaricom - cho biết M-Pesa hiện xử lý hơn 1,7 tỷ giao dịch hàng năm, chiếm hơn 50% giá trị GDP của Kenya trong năm 2018.

Theo ông, cuộc cách mạng thanh toán của Mobile Money đã trao quyền cho hàng chục triệu người dân châu Phi, bao gồm cả những cộng đồng nghèo khổ nhất thế giới.

Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2016, FinTech đã giúp cho 200.000 hộ gia đình tại châu Phi thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực. Không những vậy, dịch vụ này cũng tạo động lực và tiếp thêm sức mạnh để những người phụ nữ tại châu Phi chuyển dần từ nghề nông sang kinh doanh dịch vụ.

Nhờ Mobile Money, người dân tại những vùng khó khăn nhất cũng có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính (Ảnh: Digipay).

Triển vọng nào cho Mobile Money tại châu Á?

Câu chuyện FinTech tại châu Phi được đánh giá là một trong những câu chuyện về công nghệ thành công nhất. Tương lai của FinTech sẽ được định hình cũng là một câu hỏi hấp dẫn nhưng cần thêm thời gian để trả lời. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng đây là một loại hình dịch vụ có tiềm năng to lớn ở châu Phi. Vậy còn đối với châu Á, triển vọng của Mobile Money sẽ ra sao?

Từ nhiều năm trước, Mobile Money đã được triển khai cho nông dân và nhiều đối tượng khác tại Bangladesh.

Cụ thể, vào mỗi vụ mùa, người nông dân khi bán được sản phẩm sẽ nhận thanh toán qua tài khoản di động. Điều này cũng đem đến rất nhiều lợi ích, giúp người nông dân cảm thấy an tâm hơn cho việc bảo quản tiền của mình.

Pakistan cũng khá tương đồng khi hơn một nửa số lượng người dùng di động sử dụng điện thoại để mua sắm và thanh toán các tiện ích như tiền điện, nước, trả học phí,...

dịch vụ Mobile Money hiện cũng đang được triển khai tốt tại Philippines sau một thời gian dựa vào đối tác ngân hàng. Đến nay, dịch vụ tiền di động này đã hoạt động hoàn toàn độc lập.

Tại Ấn Độ, Sri Lanka và Thái Lan, Mobile Money cũng khá ổn dù thấp hơn số lượng người dùng tại hai quốc gia trên. Riêng tại châu Mỹ và châu Á, hiện hình thức tiền di động vẫn chưa được thịnh hành lắm khi hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng và Mobile Payment vẫn rất phổ biến.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật