Lợn hơi 30.000 đồng/kg, giá thịt đến tay người tiêu dùng cao gấp 6 lần

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá thịt lợn hơi đang giảm mạnh, chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ tại các chợ truyền thống và siêu thị vẫn duy trì ở mức rất cao.
Lợn hơi 30.000 đồng/kg, giá thịt đến tay người tiêu dùng cao gấp 6 lần
Đây là mức giá thấp kỷ lục trong 4 năm trở lại đây.

Trong khi nông dân đang bán heo với giá rất rẻ ở mức dưới 30.000 đồng/kg (loại 2) và 35.000-40.000 đồng/kg (loại 1), thì tại các chợ và siêu thị khắp cả nước, người tiêu dùng lại phải mua với giá cao gấp 5-6 lần từ 110.000-200.000 đồng/kg.

Thực tế, từ đầu năm tới nay, giá lợn hơi có xu hướng giảm liên tục, hiện phổ biến cả ba miền ở mức 30.000-45.000 đồng/kg.

Cụ thể, ngày 15/10, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên giá cao nhất dao động 43.000-49.000 đồng/kg; khu vực Nam Bộ dao động 38.000-43.000 đồng/kg; khu vực miền Bắc xuống còn 30.000-35.000 đồng/kg, một số trường hợp thấp nhất dưới 30.000 đồng/kg.

Thị trường đang chứng kiến nghịch lý là nông dân có thể thua lỗ nặng vì giá lợn hơi rẻ trong khi người mua vẫn phải trả giá cao. Ảnh: Phương Lâm.

"Lỗ 2 tỷ đồng một lứa lợn"
Khảo sát một số chợ và siêu thị tại TP.HCM ngày 15/10 cho thấy giá thịt lợn ở thời điểm này chỉ giảm nhẹ khoảng 5.000-10.000 đồng/kg so với một tháng trước. Hiện, thịt lợn tại chợ có giá 110.000-180.000 đồng/kg tùy loại.

Tại một quầy thịt gần chợ Bùi Văn Ba (quận 7), thịt lợn được bày bán với nhiều mức giá. Cụ thể, thịt ba rọi có giá 120.000 đồng/kg, nạc vai 110.000 đồng/kg, sườn non giá 150.000 đồng/kg...

    

Tương tự, quầy thịt Vissan trên đường Lê Tự Tài (quận Phú Nhuận) báo giá thịt nạc dăm 140.000 đồng/kg, thịt ba rọi rút sườn 180.000 đồng/kg, nạc xay 120.000 đồng/kg...

Tại siêu thị Bách Hóa Xanh, thịt nạc dăm có giá 149.000 đồng/kg, ba rọi 170.000 đồng/kg, thịt đùi 129.000 đồng/kg, sườn non giá 199.000 đồng/kg, nạc heo xay 130.000 đồng/kg... Với mức này, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao gấp 5-6 lần so với giá lợn hơi.

Dù giá tại chuồng giảm kỷ lục, giá thịt lợn tại chợ và siêu thị giảm không tương xứng. Ảnh: Phương Lâm.

Một số tiểu thương đều lý giải thịt lợn qua phải qua ít nhất 6 khâu trung gian, từ người nuôi, thương lái, người vận chuyển, lò mổ, tiểu thương nhập hàng mới đến tay người mua. Đặc biệt là thời điểm dịch bệnh, vận chuyển, tìm người lao động rất khó khăn nên giá bị đẩy lên.

Giá lợn hơi bán tại chuồng trại xuống thấp kỷ lục khiến người nuôi thua lỗ nặng. Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu - chuyên cung cấp lợn ra thị trường phía Nam cho biết hiện giá lợn hơi loại 1 ở khu vực các tỉnh phía Nam dao động khoảng 42.000-45.000 đồng/kg, heo mỡ loại 2 còn khoảng 35.000 đồng/kg.

"Hiện, thịt lợn bán lẻ ở Đồng Nai chỉ khoảng 100.000-110.000 đồng/kg. Về TP.HCM giá có tăng hơn, đặc biệt là thịt ba rọi, sườn non. Bởi đây là 2 bộ phận ngon nhất của con lợn nên được người mua ưa chuộng", bà lý giải.

    

Bà Hương cho biết vừa xuất lô lợn hơi khoảng 1.000 con và chấp nhận chịu lỗ 2 tỷ đồng. "Tôi mua con giống ở thời điểm giá cao khoảng 2,8 triệu đồng/con, tiền thức ăn, chăm sóc... khoảng 3,1 triệu đồng/con".

"Tổng vốn chi ra nuôi một con lợn mất khoảng 5,9 triệu đồng nhưng hiện nay chỉ bán được 4-4,2 triệu đồng/con", bà nói. Bà Hương khẳng định cứ một con lợn bán ra bà chịu lỗ 2 triệu đồng và số tiền đó chưa tính tiền khấu hao chuồng trại.

Quản lý khâu trung gian để hạ nhiệt giá thịt
Là đơn vị chuyên thu mua heo của nông dân, giết mổ và phân phối heo thịt đến các chợ, ông Nguyễn Quang Thọ - Giám đốc Công ty Thy Thọ - cho biết giá lợn hơi giảm mạnh do không thể tiêu thụ được. "Các chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa khiến nguồn cung giảm mạnh", ông nói.

Theo ông Thọ, mức giá lợn hơi hiện nay về mức thấp kỷ lục ở thời điểm năm 2017 là 25.000-30.000 đồng/kg. "Chỉ khi chợ mở lại nhiều hơn, các hoạt động, dịch vụ ăn uống được trở lại bình thường thì giá lợn hơi mới có thể tăng lên", ông nhìn nhận.

Thực tế, phần chênh lệch giữa giá bán tại chuồng với giá đến tay người tiêu dùng chảy vào túi bộ phận trung gian là các thương lái, tiểu thương.

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi - cho biết hiện nay nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh do giãn cách xã hội kéo dài ở 2 thành phố lớn nhất cả nước.

"Khi nhu cầu giảm, lợn ở chuồng cũng không tiêu thụ được nên bị tồn đọng số lượng lớn. Đặc biệt ở giai đoạn quá lứa, lợn sẽ tích mỡ khiến giá thành giảm theo, chưa kể nhiều thương lái ép giá", ông lý giải.

    

Giá bán tại chợ vẫn cao chứng tỏ khâu lưu thông đang lãi tương đối nhiều. Ảnh: Thạch Thảo.

Ông Trọng cũng cho rằng bối cảnh giá thịt lợn hiện nay tương tự như thời điểm 2017. "Nhưng hiện nay giá thức ăn chăn nuôi lại tăng rất cao so với 4 năm trước lên. Người nông dân đang ở trong tình cảnh không nuôi không được, nếu tục nuôi thì tiếp tục lỗ vì giá thức ăn tăng", ông cho biết.

Ông đánh giá hiện nay thị trường chưa hài hòa được 3 khâu là khâu sản xuất, khâu lưu thông và khâu tiêu dùng. Giá bán tại chợ vẫn cao chứng tỏ khâu lưu thông đang lãi tương đối nhiều trong khi khâu sản xuất là người nông dân chăn nuôi chịu thiệt thòi lớn.

Chưa kể chi phí vận chuyển, lưu thông tăng rất cao trong bối cảnh Covid-19. "Giá thực phẩm ở chợ, siêu thị giảm không đáng kể", ông đánh giá. Theo Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, mặt hàng thịt lợn không nằm trong danh mục hàng bình ổn giá do đó hiện nay cơ quan chức năng phải kiểm soát khâu trung gian.

"Các địa phương, bộ ngành phải tạo điều kiện tối đa cho khâu trung gian, phân phối vận chuyển để giảm chi phí này. Bởi nhiều doanh nghiệp vận chuyển cho biết phải chi 5-8 triệu cho một lái xe nên phải tăng phí giao hàng", ông nói.

Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi trong nước bền vững, ổn định sinh kế cho hàng chục triệu hộ chăn nuôi tại Việt Nam.

Theo đó, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm.

Bởi khi các hiệp định thương mại thế hệ mới đã ký chính thức có hiệu lực, các dòng thuế quan nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0%, thì đây là áp lực rất lớn với thị trường chăn nuôi trong nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật