Tình cờ nhặt được hòn đá hình chiếc lá lúc kiếm củi trên núi, chuyên gia vừa nhìn đã khăng khăng đòi cậu bé giao nộp

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quá trình phát hiện ra hòn đá hình chiếc lá đặc biệt này được đánh giá như một huyền thoại.
Tình cờ nhặt được hòn đá hình chiếc lá lúc kiếm củi trên núi, chuyên gia vừa nhìn đã khăng khăng đòi cậu bé giao nộp
Trong lúc đi kiếm củi, một cậu bé tình cờ nhặt được một phiến đá hình dáng kỳ lạ. (Ảnh: Sina)

Đó là vào tháng 10 năm 1958, tại ngọn núi Tiểu Nam thuộc tỉnh Hắc Long Giang, trời lúc này đã vào thu cũng là thời điểm rất thích hợp để lên núi kiếm củi. Một buổi chiều, một cậu bé học sinh trong lúc đi nhặt củi vô tình phát hiện được một phiến đá có hình tựa như một chiếc lá. Bề dày của phiến đá rất mỏng, có thể thấy là một viên đá hiếm thấy.

Thế nhưng, với cậu bé nhỏ tuổi, phiến đá này chỉ hơi khác so với những hòn đá bình thường ở hình dáng. Tuy phiến đá mỏng như nó khá sắc, cậu bé vẫn thường dùng nó để cắt những thứ khác khi chơi. Vì vẫn là trẻ con, cậu bé rất nhanh đã cảm thấy chán viên đá này nên đã ném nó vào góc sân nhà. Kể từ khi đó, hòn đá này vẫn luôn nằm ở đó trong nhiều năm.

Mãi cho tới năm 1965, một cán bộ của Cục Di tích Văn hoá địa phương trong chuyến đi khảo sát di tích văn hoá đã tình cờ ghé qua ngôi làng của cậu bé. Lúc tới thăm ngôi nhà của cậu, vị chuyên gia này bị phiến đá nọ thu hút. Ông nhặt nó lên và xem xét rất kỹ lưỡng.

Theo vị chuyên gia này, bề mặt của phiến đá hình lá này vô cùng nhẵn bóng, rõ ràng là có dấu hiệu đã được đánh bóng. Ông quay sang hỏi cậu bé, giờ đã là một thiếu niên về quá trình tìm thấy viên đá này. Sau khi nghe cậu kể, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu ông, liệu phiến đá này có phải một công cụ bằng đá đã được người cổ đại sử dụng không?

Vị chuyên gia một mực khăng khăng yêu cầu cậu bé giao cho ông phiến đá này và cứ luôn miệng khẳng định đây là một món cổ vật vô cùng quý giá đối với giới khảo cổ. Sau một hồi thương lượng, cuối cùng chuyên gia khảo cổ đã có được phiến đá và đổi lại cho cậu bé một khoản tiền nhỏ, chỉ khoảng khoảng 10 NDT thời đó.

Một chuyên gia khảo cổ đã vô tình nhận ra đây là một lưỡi giáo đá của thời kỳ đồ đá mới. (Ảnh: Sina)

Vị chuyên gia này đem viên đá về Cục Di tích Văn hoá và lập tức cùng đồng nghiệp tiến hành kiểm định nó. Kết quả, phiến đá thực sự là một công cụ được người của thời kỳ đồ đá mới sử dụng. Niên đại của nó từ 5.000 đến 7.000 năm tuổi. Công cụ này dài 25 cm, rộng 5,8 cm, dày ở giữa và mỏng ở hai bên, hình dáng khá giống với lá nguyệt quế. Vì thế, họ đã đặt tên cho nó là "Giáo đá hình lá nguyệt quế".

Sở dĩ công cụ này được xác định là cổ vật quý hiếm vì nó tuy có hình dáng đơn giản nhưng ở thời kỳ đồ đá mới thì kỹ thuật chế tạo ra vật dụng như vậy là rất khó. Đặc biệt là với những lưỡi giáo sắc bén hai bên như vậy.

Theo các chuyên gia đánh giá, để làm ra lưỡi giáo này, người cổ đại đã dùng phương pháp ghè tỉa xung quanh rìa hòn đá để có độ sắc bén hơn và biến nó thành công cụ thích hợp để sử dụng. Đây cũng là phương pháp chế tác phổ biến vào cuối thời kỳ đồ đá mới.

Các chuyên gia của Cục Di tích Văn hoá địa phương đã quyết định quay lại nơi tìm thấy lưỡi giáo đá để khảo sát. Nhờ cậu bé dẫn đường, họ đã tới núi Tiểu Nam và khai quật được thêm một lượng lớn đồ gốm và các công cụ bằng đá khác. Ngoài ra, họ còn tìm được mộ của một vị thủ lĩnh bộ tộc cổ đại với nhiều đồ tạo tác bằng xương tinh xảo được đặt trong mộ. Lưỡi giáo đá cũng là một vật tuỳ táng trong tang lễ của vị tù trưởng này.

Các nhà khoa học đã tới nơi tìm thấy lưỡi giáo và khai quật được lăng mộ của một vị tù trưởng cổ đại cùng nhiều đồ tuỳ táng. (Ảnh: Sina)

Các chuyên gia khảo cổ đã nhận định, lưỡi giáo đá hình lá nguyệt quế là công cụ bằng đá lớn nhất thuộc thời kỳ đồ đá mới được phát hiện tại Trung Quốc. Nó được coi là cơ sở để các chuyên gia nghiên cứu về kỹ thuật chế tác công cụ bằng đá của người cổ đại. Đồng thời, nó cũng cung cấp nhiều dữ liệu lịch sử, văn hoá và phong tục của người xưa tại tỉnh Hắc Long Giang.

Cuối cùng, lưỡi giáo đá này đã được xếp hạng là di tích văn hoá cấp quốc gia. Hiện nó đang được trưng bày tại viện bảo tàng tỉnh Hắc Long Giang.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật