Chuyện lạ chưa kể về cây Dã hương ngàn tuổi

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nằm trong quần thể kiến trúc đền chùa xây dựng từ thời Hậu Lê, bên cạnh dòng sông Thương bên lở bên bồi của miền quê hương quan họ Kinh Bắc, cây Dã hương ngàn tuổi (Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang) nhiều đời nay được coi là biểu tượng văn hóa, chứng nhân lịch sử của biết bao thăng trầm, biến cố của quê hương, đất nước.
Chuyện lạ chưa kể về cây Dã hương ngàn tuổi
Ảnh minh họa

Người dân Tiên Lục, Lạng Giang không ai biết cây Dã hương này có từ bao giờ. Các bô lão trong làng kể rằng, từ khi họ sinh ra đã thấy cây sừng sững đứng đó tự bao giờ, người dân thường gọi cây cổ thụ này là “cụ”.

Trước đây, trong ngọc phả của thôn Giữa, thời vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) khi đi ngang qua, vua thấy cây to và đẹp đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”. Cây ở trời Nam mà vươn sang tận trời Tây, năm 1905, toàn quyền Pháp Paul Doumer đã cưa một cành để làm hai cây thánh giá lưu niệm. Đến năm 1932, hình ảnh cây Dã hương xuất hiện tại Hội chợ Marseille.  

Ông Trần Văn Tuấn, cán bộ văn hóa xã Tiên Lục cho biết, cây Dã hương này đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1989. Từ đó, rất nhiều khách du lịch tìm đến để chiêm ngưỡng cây cổ thụ, đặc biệt là vào tháng tư, lúc cây nở hoa.

Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong vùng, những buổi trưa hè nắng, cả người già và trẻ đều ra hóng mát dưới tán cây cổ thụ. Bà Hoàng Thị Bị (83 tuổi) chia sẻ, “lúc đẻ ra cây đã to thế rồi, ngày xưa mỗi lần đi chợ về tôi đều rẽ vào ngồi nghỉ chân, hẹn hò cũng ở đây cả”. Còn Nguyễn Thị Lưu (sinh viên trường Công nghệ may) bày tỏ: Cây Dã hương lưu giữ nhiều kỉ niệm tuổi thơ cùng bạn bè, bố mẹ, thời còn học trường làng tôi thường cùng lũ bạn chơi ở đây. Bây giờ học xa, có dịp về quê vẫn rủ bạn bè lên ngồi hoặc đưa bạn về thăm quê, thăm “cụ Dã”.

Từ năm 2008, trường Mầm non Tiên Lục đưa cây Dã hương vào chương trình giảng dạy, mỗi tuần hai buổi cho trẻ đến tham quan và vui chơi.  

Chết đi sống lại, trường tồn cùng quê hương

Cây Dã hương đã mấy lần định “từ biệt” dân làng. Năm 1977 và 1994, đất dưới gốc cây bị rửa trôi, lá úa vàng. Vài năm trước, trẻ con chui vào thân cây trú mưa, vơ củi đốt sưởi, lửa cháy ngùn ngụt, cả làng phải ghánh nước dập lửa cứu cụ Dã.

Theo lời ông Nguyễn Văn Đề - nhân viên quản lý Cụm di tích thì các bậc cao niên đã nghiệm ra hiện tượng khá thú vị: cây không bao giờ gãy vì gió bão, nhưng khi có cành nào già rơi xuống, nhường chỗ cho một cành mới vươn lên đều báo hiệu một sự chuyển biến lớn của đất nước. Năm 1945, cành lớp phía Đông Bắc gãy là lúc Cách mạng tháng Tám thành công; năm 1975, cành phía Tây gãy gắn với sự kiện Thống nhất đất nước…

Hiện nay chưa có tài liệu nào xác định chính xác tuổi đời của cây, mà chỉ gọi chung chung là cây Dã hương ngàn tuổi. Còn trong cuộc hội thảo về cây Dã hương của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đa dạng sinh học tổ chức năm 2011, các nhà khoa học khẳng định cây tồn tại trên một nghìn năm và trên thế thời chỉ có hai cây như thế. Cây ở châu Phi đã chết, nên cây này được coi là “độc nhất vô nhị”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật